Tiếng Việt :: English
     
 
Giới thiệu

 

Thành lập SEG Vietnam

Liên hiệp các trường Đại học và Doanh nghiệp đào tạo CNTT Việt Nam (tên tiếng Anh là Software Engineering Group of Vietnam, viết tắt là SEG Vietnam), là một Nhóm gồm 5 thành viên tự nguyện cùng nhau triển khai chương trình đào tạo Công nghệ thông tin của Trường Đại học Carnegie Mellon  Hoa Kỳ.

5 Thành viên của SEG Vietnam:

1. Trường Đại học Dân lập Duy Tân, Đà Nẵng (DTU): www.dtu.edu.vn
2. Trường Đại học Dân lập Văn Lang, Tp. HCM (VLU): www.vanlanguni.edu.vn
3. Công ty CP Công nghệ Viễn thông Kỹ thuật số, Hà Nội (DTT): www.dtt.vn
4. Trường Đại học Cần Thơ (CTU):www.ctu.edu.vn
5. Trung tâm Đào tạo Công nghệ Thông tin,Tp. HCM (ITTI): www.itti.edu.vn

Sau khi thành lập SEG Vietnam, việc hợp tác giữa các cơ sở giáo dục Việt Nam và Carnegie Mellon đã diễn ra suôn sẻ, và đã trở nên rất hữu ích. Ngày 22.4.2008 hai phía thống nhất các điều khoản chung cho một thỏa thuận chính thức.

Ngày 1.5.2008, TS.John Kang đại diện phía Carnegie Mellon khu vực châu Á đã bay sang Việt Nam để tham gia Lễ ký kết tổ chức ở Tp.HCM.

Trong cuộc họp báo ngắn sau Lễ ký ngày 1.5.2008, khi trả lời câu hỏi “Tại sao lại là những đối tác Việt Nam này?”, Tiến sĩ John Kang trả lời: “...vì họ là những người hiểu rõ giá trị Chương trình đào tạo của Carnegie Mellon”

Do sự khác nhau về cấu trúc pháp lý và do vị trí địa lý trải dài từ Hà Nội, qua Đà Nẵng, vào Tp. HCM, xuống đến Cần Thơ của các đơn vị thành viên LH nên LH thống nhất không hình thành pháp nhân mới. Thay vào đó, các thành viên LH cùng tham gia dựa trên nền tảng thiện chí và thắng lợi. Hội đồng LH gồm đại diện của 5 thành viên, là cơ quan quyền lực cao nhất của SEG Vietnam, quyết định những vấn đề quan trọng về tổ chức và hoạt động của LH. Chủ tịch Hội đồng sẽ được bầu ra mỗi năm.

Giúp việc điều hành cho Hội đồng LH có 5 Ban:
- Ban Thư ký
- Ban Tài chính
- Ban Chương trình
- Ban Quản lý chất lượng
- Ban Truyền thông

Chủ tịch Hội đồng Liên hiệp đầu tiên là ông Lê Công Cơ, Chủ tịch HĐQT kiêm Quyền hiệu trưởng Trường Đại học dân lập Duy Tân.

LH thống nhất triển khai hai chương trình đào tạo duy nhất và thống nhất của chương trình đào tạo CNTT gốc của Carnegie Mellon ở các vùng khác nhau của Việt Nam. Ban Chương trình cam kết thực hiện đúng các quy định về chất lượng của Bộ GD&ĐT Việt Nam cũng như tất cả mọi tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng của SEG Vietnam trong việc triển khai chương trình đào tạo. Đồng thời, Ban Quản lý chất lượng lập những quy định chặt chẽ về tuyển chọn Giảng viên gửi đi đào tạo ở Carnegie Mellon và về tiêu chuẩn tuyển chọn sinh viên cũng như về các điều kiện cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và về điều kiện cấp Chứng chỉ môn học của Carnegie Mellon.

Bên cạnh đó, Ban Truyền thông của LH chịu trách nhiệm giới thiệu hình ảnh của Chương trình đào tạo cũng như hình ảnh của LH với cộng đồng. LH cũng có một trang web chính thức riêng hoạt động như một kênh thông tin hai chiều giữa các thành viên của LH với học viên và với các doanh nghiệp.

Ngoài chương trình đào tạo bậc cử nhân, LH cũng sẽ triển khai nhiều chương trình ngắn hạn cho những người đang công tác trong các doanh nghiệp phần mềm, những nhà quản lý hệ thống kinh tế. LH thống nhất chính sách học phí – tương xứng với chất lượng đào tạo của chương trình nhưng có hỗ trợ các học viên học giỏi, có miễn giảm đối với các đối tượng chính sách xã hội, cho từng khu vực cụ thể ở Việt Nam.

Ngoài ra SEG Vietnam cũng hướng tới các mục tiêu khác như:

- Thu hút sinh viên quốc tế đến Việt Nam thông qua chương trình đào tạo theo công nghệ của Carnegie Mellon.
- Đào tạo theo nhu cầu chuyên biệt của các doanh nghiệp Việt Nam.
- Nối kết các Doanh nghiệp với Chính phủ Việt Nam thông qua những chương trình phát triển Công nghệ thông tin quốc gia. Những mục tiêu trên mang tầm lớn lao nhưng không xa vời, LH có khả năng thực hiện được.

Một điều đáng chú ý là vai trò rất đặc biệt của Hãng sản xuất máy bay Boeing trong việc hợp tác giữa Carnegie Mellon và SEG Vietnam. Đã từ nhiều năm nay, Boeing tuyển dụng nhiều sinh viên tài năng của trường CMU, Boeing cũng tài trợ nhiều dự án phát triển phần mềm và khoa học điện tử hàng không ở Carnegie Mellon. Đổi lại, Carnegie Mellon cũng đóng góp nhiều vào việc thành công của nhiều máy bay Boeing thông qua nhiều công trình nghiên cứu giá trị cao của mình.

Do đó, quan hệ hợp tác mang tính chiến lược và hỗ trợ lẫn nhau đôi bên cùng có lợi này đã giúp tạo điều kiện cho Boeing thực hiện lời hứa của mình với Chính phủ Việt Nam trong việc giúp đỡ giáo dục Việt Nam vào khoảng hai năm trước. Điều này cũng mở ra nhiều cơ hội cho Boeing và các công ty quốc tế tuyển dụng được nhiều nhân lực CNTT được đào tạo có chất lượng ngay ở Việt Nam. Về phía mình, Carnegie Mellon hy vọng nâng cao vị thế của một trường đào tạo tầm cỡ thế giới với các học viên IT ở Việt Nam cũng như giới thiệu cho các Doanh nghiệp Việt Nam những học viên chất lượng cao, những người sẽ tốt nghiệp từ một chương trình đào tạo CNTT bậc nhất thế giới.

Để triển khai một dự án học thuật lớn như vậy, LH hiểu rõ những cơ hội và trách nhiệm đi kèm. Do đó, LH đặt cho mình sứ mạng “Trở thành một mô hình hợp tác tiên phong giữa các Trường Đại Học và Doanh Nghiệp Việt Nam trong việc triển khai có hiệu quả chương trình đào tạo Công Nghệ Thông Tin của trường đại học Carnegie Mellon– trường số 1 của Mỹ về CNTT, cũng như cung cấp nguồn nhân lực CNTT có chất lượng được các nhà tuyển dụng

toàn cầu đón nhận”.
 

Giới thiệu về đại học Duy Tân

 Là Đại học Tư thục Đầu tiên và lớn nhất Miền Trung, Đại học Duy Tân ra đời theo quyết định số 666/TTg ngày 11/11/1994 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam. Trường đào tạo bậc Cao học, Đại học, Cao đẳng Nghề và các hệ liên thông từ Trung cấp lên Cao đẳng, từ Cao đẳng lên Đại học, và cả từ Trung cấp lên Đại học.

 Quan hệ quốc tế là một điểm son trong phát triển của trường qua nhiều năm. Từ 2005, Duy Tân đã ký kết với NIIT để triển khai các khóa đào tạo Chuyên viên Công nghệ Thông tin cho các ngành Công nghệ Phần mềm và Công nghệ Mạng theo chương trình, qui trình, chuẩn chất lượng và bằng cấp do Học viện NIIT Ấn Độ cấp, có giá trị quốc tế. Sau đó, trong năm 2008, Đại học Carnegie Mellon, 1 trong 4 trường mạnh nhất về Tin học của Mỹ đã ký kết chuyển giao các chương trình Công nghệ Phần mềm, Hệ thống Thông tin và trong năm 2008, Duy Tân đã trở thành đại diện đầu tiên và duy nhất ở miền Trung của Hiệp hội Kế toán Kiểm toán Anh (ACCA), và bắt đầu triển khai chương trình đào tạo chứng chỉ CAT. Chưa hết, đến cuối năm 2009, Đại học Bang Pennsylvania (PSU), 1 trong 5 hệ thống đại học công lớn nhất Hoa Kỳ đã đồng ý chuyển giao chương trình và huấn luyện hơn 100 giảng viên Duy Tân cho các ngành Quản trị, Kế toán, Tài chính -  Ngân hàng, và Du lịch. Hợp tác với Đại học Bang California ở Fullerton (CSU Fullerton) trong Xây dựng và Kiến trúc đã đến ngay sau đó vào đầu năm 2011. CSU Fullerton là trường lớn nhất hệ thống Đại học Bang California.

 

Bên cạnh các chương trình tiên tiến được chuyển giao từ đại học Carnegie Mellon, Penn State và California State được chuyển giao cho Duy Tân từ các đại học chương trình Du học Nước ngoài. Đó là chương trình 2+2 với Đại học Applachian State, 1 trong 10 đại học vùng mạnh nhất miền Nam Hoa Kỳ và chương trình 1+1+2 với Cao đẳng Cộng đồng Lorain Country, mở ra cơ hội lấy bằng đạo học của những đại học hàng đầu ở Bang Ohio, Mỹ.

 

Lịch sử hình thành

 Đại học Carnegie Mellon

 

  •          Thành lập: 1900
  •          Ngân sách hàng năm: gần 1 tỷ USD
  •          Tổng số sinh viên: 11,530 (với 5,510 sinh viên Sau Đại học)
  •          Tổng số giảng viên & nhân viên: 4,631
  •          Diện tích khuôn viên: 58 ha

 Đại học Carnegie Mellon được thành lập vào năm 1967 trên cơ sở sáp nhập hai học viện danh tiếng của Mỹ là Học viện Kỹ thuật Carnegie (do vua thép Andrew Carnegie thành lập năm 1900) và Học viện Nghiên cứu Tài Chính - Công Nghiệp Mellon (do Andrew Mellon, chủ hệ thống ngân hàng Mellon thành lập năm 1913). Đại học Carnegie Mellon được xếp vào một trong những trường danh tiếng nhất của Mỹ với đến 18 học giả đạt giải Nobel xuyên suốt lịch sử trường.

 

Đáng chú ý, Carnegie Mellon luôn là đại học số 1 Mỹ về Công nghệ Thông tin với xếp hạng số 1 cho Công nghệ Phần mềm, và số 2 cho Hệ thống Thông tin và Kỹ nghệ Máy tính ở bậc đại học (theo bảng xếp hạng của U.S. News). Thế mạnh về Công nghệ Thông tin của Carnegie Mellon dựa trên lực lượng các nhà khoa học làm việc trong Viện Công nghệ Phần mềm (SEI) và Cục Ứng cứu Khẩn cấp An ninh Mạng (CERT) của Bộ Quốc Phòng và Chính phủ Mỹ, vốn được đặt ngay trong trường. Có đến 7 nhà khoa học của Carnegie Mellon từng đạt giải thưởng ACM Turing, là giải thưởng cao nhất cho Khoa học Máy tính (tương đương Nobel cho các ngành khoa học khác). Bên cạnh đó, Carnegie Mellon còn nhận được sự hậu thuẫn không ngừng của các hãng tin học và viễn thông lớn trên thế giới. Intel, Apple, Google và Boeing đều có lab nghiên cứu trong trường, và trong năm 2005, Microsoft đã đóng góp hơn 20 triệu đô để xây dựng một tòa nhà mới cho trường Khoa học Máy tính của Carnegie Mellon (hoàn tất trong năm 2009).

 

Chất lượng đào tạo ở Carnegie Mellon đã cho ra trường nhiều người thành đạt như John Nash (Nobel Kinh tế, nhân vật chính do Russel Crowe đóng trong bộ phim A beautiful mind), Holy Hunter (Oscar 1991 phim Dương cầm), George Cowan (nhà hóa học trong dự án Manhattan), James Gosling (người tạo ra ngôn ngữ Java), Ralph Guggenheim (nhà sản xuất phim Toy Story và Toy Story 2), Marc Ewing (người tạo ra Red Hat), Judith Resnik (phi hành gia nữ thứ nhì trên thế giới, mất trong vụ Challenger), Henry Mancini (nhà soạn nhạc tài ba), Charles Geschke (đồng sáng lập viên hãng Adobe), Vinod Khosla và Andy Bechtolsheim (đồng sáng lập viên hãng Sun Microsystems), Pradeep Sindhu (đồng sáng lập viên hãng Juniper), Larry Kurweil (Chủ tịch và giám đốc Universal Studios Hollywood), Watts Humphrey (người tạo ra mô hình phát triển phần mềm CMM và CMMI), vân vân. Đối với sinh viên và học giả Việt Nam ở Carnegie Mellon , mặc dù số lượng không nhiều nhưng cũng đã có một số người đạt được thành tích cao như Giáo sư John Vũ (Tổng kỹ sư trưởng của Boeing, trưởng phần mềm cho dự án Boeing 777), Vũ Duy Thức (sinh viên Đại học số 1 Bắc Mỹ về Tin học năm 2004, Phi Beta Kappa), vân vân. 

 

 

 

 

 

 

 

 
     
Đại học Carnegie Mellon
 
Đại học Duy Tân
 
Đại học Văn Lang
 
DTT Corp.
 
Đại học Cần Thơ
 
     
     

Các Giảng Viên DTU